Thành Phố Không Mặt Người
Phan_15
Thuở đó, trên xứ sở này tồn tại rất nhiều phép màu mà có lẽ bây giờ chúng ta không thể lý giải nổi. Người ta có thể đi trên mặt nước, có thể nói chuyện mà không cần mở miệng… Nhưng đặc biệt nhất là phép Thăng Thiên. Đây có lẽ là phép thuật của tự nhiên thì đúng hơn. Theo đó, con người cứ khi về già, sớm hay muộn rồi sẽ bay lên trời. Không một ai biết được các cụ già đó bay lúc nào và bay đi đâu. Đã có rất nhiều chiến dịch quy mô được đầu tư nhiều tiền của chỉ để tìm hiểu, nhưng cuối cùng kết quả cũng chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Ai đến tuổi phải bay vẫn cứ bay, nói chính xác là muốn không bay cũng không được, và cũng chẳng có cụ nào về báo cáo lại cả (Ghi chú thêm: Các cụ đều bay vào sinh nhật năm các cụ tròn chẵn chục tuổi).
Nhưng có lẽ tạo hóa lại thích trêu ngươi con người. Ngài luôn có năng khiếu trong việc tạo ra sự khác biệt. Trong khi gần như toàn bộ thế giới, ai cũng đến ngày phải bay, thì có một cụ già không như thế. Ông cụ sống ở ngoại thành, ngày ngày lấy việc trồng rau tưới cây làm thú tiêu khiển. Năm 80 tuổi, cụ tưới cây. 90 tuổi, cụ vẫn tưới cây. Từng này tuổi mà còn chưa bay, tất nhiên người ta phải bắt đầu chú ý rồi. Năm 100 tuổi, phóng viên các nước rầm rộ đến phỏng vấn, tay cụ vẫn đang cầm xô nước. Năm cụ 110 tuổi, thế giới tổ chức cầu truyền hình trực tiếp, mời cụ lên phát biểu (có lẽ họ muốn chứng kiến giây phút cụ thăng). Cụ mặc quần áo thật đẹp, tay phải cầm chậu bonsai bước lên bục. Rồi với vẻ mặt rất chi là hớn hở, cụ đọc bài thơ chúc thọ ông cố nội sáng tác cách đây tròn 100 năm, trong khi tay trái vẫn cầm bình xịt bóp đều đều.
Vậy mà cuối cùng, cụ vẫn đứng đó.
Cả thế giới thất vọng!
Phải rồi, không thất vọng làm sao được khi mà ngày hội tổ chức quy mô thế mà cụ lại không bay. Rồi người ra phái các nhà khoa học, giáo sư tiến sĩ dày dặn kinh nghiệm đến nhà cụ, hết tiêm tiêm chọc chọc rồi lại hút hút nạo nạo.
Xét nghiệm đến chín tháng mười ngày mà vẫn không thu được kết quả khả quan nào, công việc được bàn giao cho các nhà tâm lý học.
Có người phỏng đoán, chắc tại cụ vẫn đang yêu. Con người ta khi yêu thì trẻ mãi, mà trẻ thì bay làm sao được? Giả thiết này nhanh chóng bị gạt bỏ, bởi cụ sống một mình suốt bao năm qua. Và nếu có người yêu, thì bà này cũng đã “bay” từ lâu rồi. Cụ yêu người yêu đến vậy, sao lại không bay theo được kia chứ?
Có người lại cho rằng, chắc đất nhà cụ có nhiều sắt. Cụ ăn đồ cây nhà lá vườn, nhiều sắt quá nên bị trái đất “hút”. Nhưng một lần nữa giả thiết này bị vỡ vụn, khi có một cụ già tình nguyện làm vật hi sinh để người ta buộc một quả tạ sắt nặng nửa tấn vào người. Rốt cục thì cụ già này vẫn bay- sau khi tặng lại cho thế giới một cái chân giả bằng ngà voi rất đẹp.
Khi cố gắng mãi mà không thu được chút kết quả gì, con người ta bắt đầu chán. Dần dần, mọi người coi chuyện cụ không bay được là rất đỗi bình thường. Chẳng có tham quan, cũng chẳng có nhà lưu niệm như hồi đầu nữa. Nhưng dù gì, thì mấy thứ đó cũng chẳng liên quan đến cụ. Ngày ngày cụ vẫn trồng rau tưới cây, chủ nhật thì đi xem kịch. Người ta đặt cho cụ biệt hiệu “Ông già không biết bay”. Và đúng như vậy, cụ cũng vẫn nhất quyết không chịu bay.
* * *
Thời gian cứ thế trôi đi, mọi chuyện về cụ già không biết bay đã trôi dần vào quên lãng. Cho đến một ngày (khoảng 4-500 năm sau), một chàng phóng viên năng nổ đọc được trong một thư tịch cổ có nói đến một “Ông già không biết bay”. Thấy lạ, anh cất công nghiên cứu trong các thư viện, tìm hiểu tất cả mọi nơi. Ông trời không phụ người có lòng, cuối cùng anh đã tìm ra “Ông già không biết bay”.
Trong vai một nhà trồng cây cảnh, anh dọn đến sát nhà cụ già. Rồi anh lân la làm quen, hỏi han về cây này chậu nọ(tất nhiên là ra vẻ vẫn không biết đây là cụ già không biết bay). Dần dần, hai người quen thân, tính tình lại rất hợp nhau nên nhanh chóng trở thành đôi tri kỷ. Cụ già nhận anh phóng viên làm cháu nuôi, rồi do cả hai đều sống một mình, anh dọn luôn đến nhà cụ sống. Mọi chuyện diễn ra hết sức suôn sẻ. Tuy vậy nhất thời anh phóng viên vẫn chưa tìm được nguyên nhân “không bay” của cụ.
Nhưng một lần nữa ông trời lại không phụ người. Sau 7 năm kiên trì sống với cụ già, anh đã lần ra manh mối. Anh nhận thấy cứ đến ngày rằm tháng 8 hàng năm, trong khi anh ngủ, cụ lại ra cái giếng ngoài sân sau một lát mới về.
Hóa ra là cụ tới đó tắm rửa!
Anh lạ lắm, vì có ai tắm buổi đêm đâu? Càng tìm hiểu anh càng thấy lạ lùng, bởi lẽ nước cụ dùng để tắm là rượu chứ không phải nước thường. Bí quyết là đây chăng? Theo các sách khoa học mà anh đã đọc, ánh sáng mặt trăng rất có ảnh hưởng đến con người, nhất là đêm rằm. Lại thêm rượu nữa vào thì…
Mừng như bắt được vàng, ngay đêm hôm đó anh rời nhà mà không một lời từ biệt. Sáng hôm sau, trên mặt tờ báo uy tín nhất thế giới đã đăng một cái tít rất to “Bí mật về ”Ông già không biết bay” đã được khám phá!”, “Bạn có muốn là người không biết bay?”… Thế giới lại rầm rộ bàn tán về cụ, người người đổ xô đến nhà cụ, các hãng truyền hình liên tiếp cho người đến phỏng vấn cụ. Không như những lần trước, lần này cụ đóng cửa, từ chối không trả lời.
Nhưng cụ có không trả lời cũng bằng thừa. Vì bí mật đó đâu còn là của cụ nữa? Người ta còn thầm trách cụ ích kỷ, có bí quyết mà cứ giữ mãi không chịu san sẻ ọi người. Trách thì trách, nhưng cái bí thuật đó không ai là không sử dụng. Các cụ già thì khỏi nói rồi. Thế giới tràn đầy hạnh phúc, ở nhà với con cháu chả sướng sao, tội gì phải bay chứ? Các bác trung niên cũng phải tắm cho chắc ăn, vì nhỡ đâu chưa đến rằm mà mình đã bay rồi thì sao? Bọn trẻ kháo nhau, tắm đê, càng nhiều càng tốt, tắm ít thì bay sớm, tắm nhiều thì mãi không bay.
Cuối cùng, cả thế giới đều thực hiện y hệt cái điều cụ già đã làm đêm rằm.
Còn anh phóng viên thì sao? Sau loạt báo gây chấn động đó, anh trở nên nổi tiếng. Rồi từ một phóng viên quèn, anh được thăng lên phó tổng, rồi tổng biên tập. Anh trở nên rất có uy tín, được vợ yêu bạn mến, người người tôn thờ (đến bí mật lớn thế anh còn chả giữ ình thì rõ là vĩ đại rồi còn gì). Rồi anh ứng cử vào quốc hội làm nghị sĩ, chẳng bao lâu sau đã trở thành tổng thống. Cuộc đời với anh từ đó rải toàn hoa hồng. Dĩ nhiên, do vẫn muốn tiếp tục làm ra tiền để mua hoa hồng, anh cũng đã thực hiện cái bí quyết “không bay” đó từ lâu. Thậm chí rằm tháng nào anh cũng tắm, mà phải tắm bằng loại rượu hảo hạng nhất thế giới.
Không hổ danh là đệ nhất bí quyết trong thiên hạ! Quả nhiên cuối cùng, không có ông già nào bay thêm nữa. Có điều, không bay, nhưng các ông già cũng không sống thêm được ngày nào cùng con cháu. Các cụ cứ đến ngày là nằm lăn ra đó, không chịu mở mắt. Rồi đến khi người các cụ bốc mùi làm làng xóm không thể chịu được nữa, con cháu đành phải đào tạm một cái lỗ đặt các cụ vào đấy. Không chỉ các cụ ko chịu mở mắt, đến các bậc trung niên, rồi thanh niên cũng có người mắc phải “căn bệnh” tương tự. Người ta gọi đó là bệnh “chết”, một bệnh mà y học phải bó tay. Mọi phép màu con người có được đều biến mất. Người “chết” trên thế giới ngày càng nhiều. Chỗ để chôn không có, tiền để làm lễ an táng cũng kẹt, các nước trên thế giới phải đánh nhau để dành đất, dành của cải. Thế giới chìm vào chiến tranh…
* * *
- Quả là thảm họa! Không bao lâu sau, cả nền văn minh phát triển vượt bậc phút chốc đã tiêu vong!
Kể đến đây thì cụ già ngừng lại. Cả hai không nói hồi lâu. Tôi nhìn cụ, thấy cụ ra chiều vẫn suy nghĩ mông lung lắm. Một lúc sau tôi mới dám mở miệng:
- Chuyện chỉ có thế thôi hả cụ? Thế còn ngài tổng thống… ý cháu nói là anh phóng viên ấy ạ?
- Ngài tổng thống hả? Nghe đâu ngài là một trong những người đầu tiên ra lệnh hủy diệt quốc gia láng giềng. Nhưng nước láng giềng chưa bị hủy diệt, ngài đã bị ám sát…
- Vậy còn ”Ông già không biết bay”, ông ấy biến đi đâu hả cụ?- Tôi lại hỏi.
- “Ông già không biết bay? Ông ta mất tích không để lại dấu vết gì. Có thể ông ấy cũng đã “chết” như bao người khác. Bom đạn thế thì sống làm sao được…
Rồi cụ già thở dài một cái. Cả câu chuyện cụ kể ra sống động và bi kịch như cụ đã từng chứng kiến vậy. Trán cụ hơi nhăn lại, trông đã già giờ lại càng già hơn. Có lẽ ý thức được mình không sống được bao lâu nữa, nên cụ đã kể lại chuyện này cho tôi. Nhưng câu chuyện này thật lạ, nó làm tôi cảm thấy có điều không hợp lý…
Dòng suy nghĩ của tôi bị cắt đứt bởi một tiếng “cạch” khe khẽ. Cụ già đang đặt cây bonsai và cái bình xịt nước xuống bàn. Tôi chạy vội ra đỡ hộ cụ. Cụ cám ơn tôi, vươn vai một cách khỏe khoắn, làm người tôi cũng như giãn ra. Rồi cụ cười:
- Hôm nay là ngày rằm, cháu có thích tắm cùng lão không?
26. Những người sống quanh rừng
Truyện ngắn của Đỗ nhất Trí
Nửa đầu thế kỉ trước . Ông Sáu người làng Đồng Thịnh, đã nhặt được một đứa bé đỏ hỏn nằm dưới gốc cây chò hoang mọc cạnh sân đình . Ông Sáu mang thằng bé về, đặt tên là Rừng . Mười lăm tuổi thì chiến tranh xảy ra . Nó xin ông sáu đi theo Cách mạng . Đi vì chí lớn thì ít, mà vì thấy đám trai làng ra đi trước đó, có sự đưa tiễn của người thân và tiếng khóc sụt sùi, của bọn con gái mông to ngực nhọn . Lâu nay nó chỉ nghe thấy tiếng quát mắng chưởi rủa ào ào như cây đổ, thác chảy của ông Sáu, chứ có bao giờ thấy nước mắt đàn bà rỉ rả như lạch suối đầu nhà đâu . Nó ao ước được nhìn thấy những giọt nước mắt của con Lan . Con Lan cháu vợ ông Sáu, hơn nó ba tuổi, vú căng phồng, người mây mẩy nước da bánh mật, thường theo nó lên rừng lượm chai . Đi lượm chai mà vô tư không mặt áo trong, nên lom khom là mảng ngực động đậy, khiến cho tâm trí thằng Rừng điên đảo. Những buổi trưa hai chị em ngã lưng dưới gốc chò ngủ nghỉ. Thằng Rừng thường len lén nhìn hai quả đồi nhấp nhô theo nhịp thở của con Lan, mà mường tượng ra bao điều quái gở . Đêm nay, trong lúc dân làng thúc trống khua mõ vang lừng thì nó lôi thằng Rừng ra gốc chò hoang mọc ở sân đình đu đưa :
- Mày đi rồi ai dẫn tao lượm chai Rừng ?
- Chị đi một mình vậy
- Chị chị cái con khỉ ! tao với mày có bà con đâu?
- Nhưng Ba tui là Bác mà!
- Bác gác bụi tre -đồ con hoang …
Đôi mắt con Lan bỗng nhìn nó vùa xa xăm vừa dữ dội. “ Rừng!.. Rừng có thích không?” . Bực! bực! Tiếng nút áo bật ra mời gọi. Một mảng trắng mềm mại thơm lừng mùi mủ chai đang lừng lững tiến tới đổ sập lên người nó….Thằng Rừng chưa kịp hoàn hồn, thì tiếng kẻng, tiếng gọi.. từ sân đình thúc lên dòn dã … Con Lan vừa cài lại nút áo ngực vừa khóc tức tưởi : “ Em sẽ đợi anh về ...”
Ngày đất nước thống nhất . Thằng Rừng ễnh ngực về làng. Trước tìm con Lan sau tìm ông Sáu . Ông Sáu chết trong một trận chống bọn Đại Hàn càn phá mảnh rừng, còn con Lan đã có chồng. Chồng Lan là một cảnh sát áo trắng chế độ cũ . Ông Kí chủ tịch xã phát hiện thằng Rừng là bộ đội phục viên, nên cho làm xã đội trưởng. Thằng Rừng chỉ huy đám du kích choai choai ban ngày phụ giúp ban quân quản, còn ban đêm thì đi mật phục. Đêm nào cũng vậy, thằng Rừng luôn có mặt ở gốc chò hoang cạnh nhà con Lan . Nhiệm vụ quan trọng của nó là tóm sống thằng Thái, kẻo nó bị bắn chết vì tư thù cá nhân . Một tuần trôi qua .Thằng Rừng chẳng phát hiện điều gì ngoài việc con Lan khuya khuya ra góc vườn ngồi xả nước . Nghe vậy, Ông Kí chủ tịch xã trầm ngâm một lúc rồi bảo : “ Không mai phục nhà con Lan nữa !”
Hai tuần không nhìn con Lan ngồi xả nước, thằng Rừng thấy nhớ, nó rủ ông Kí nhậu . Đến lít đế thứ hai ngà ngà say . Ông Kí nhìn xoáy vào mặt thằng Rừng hỏi :
- Mày nhớ nó hả Rừng ?
Tai thằng Rừng nóng ran, nó chớp mắt bẽn lẽn nhìn ông Kí đang phừng phừng vì rượu, tay nó run run dốc mạnh ly rượu vào cổ họng, một cảm xúc dâng trào, nó bỗng mạnh dạn nói :
- Bớt giỡn đi ông Anh? mấy mươi năm vắng bóng đàn bà, thằng nào thấy gái mà không hực. Chỉ cái tội chính trị nên thằng em này phải dừng !
- Mày nói hay đấy? Ông Kí gật gù cười . Làm cái thằng đàn ông mà không hực thì có nước… Ông Kí giơ tay ra hiệu phăng cái của ấy . Nhưng cái chính trị . Mẹ kiếp! Phức tạp lắm, đó là chuyện của anh . Còn mày, mày biết không? thằng chồng con Lan nó quơ mấy ả đàn bà ở xã này hả ! Một, hai, ba... Vậy mà tao với mày ngồi đây - chính trị với chính triết . Uống đi thằng em! Đã chiến thắng thì phải thắng tất cả…dô đi !
Đến lít đế thứ tư thằng Rừng cụng li hoài mà chẳng đụng ai . Đám du kích choai choai đã quắc cần câu, còn ông Kí thì biệt dạng tự hồi nào . Nó rời trụ sở, cái đầu vốn dĩ giàu trí tưởng tượng, giờ được rượu và những lời nói của ông Kí phối thêm, nên cứ nhẹ tênh bay bổng . Đầu ấy, không dẫn đôi chân về nhà, mà mò đến gốc chò hoang, chờ xem con Lan xả nước . Nhưng nó không chờ được lâu, cơn buồn ngủ đã hạ gục nó. Trong giấc ngủ nó thấy nó cùng với con Lan mang gùi đi lượm chai. Chai nhiều lắm, đung đưa những cục chai móng treo lủng lẳng khắp các nhánh, cành trên cao, nó với tay bơi vào khoảng không . Những cục chai không trong như màu hổ phách, mà trắng ngần ngận đang trôi dần về phía nó .. Lan đấy ư! Em đây! Sao em không chờ anh … Chờ cái con khỉ ? …Em là đàn bà chứ có phải thần tiên gì mà chờ ? Sao Rừng về mà không ghé.. thằng Thái nó bỏ đi biệt tăm rồi, đừng dò tìm nó như chó săn nữa … Rừng có phải là đàn ông không? Đàn ông gì mà không hực.. .
Thằng Rừng hoảng hốt ngồi bật dậy, mình đẫm mồ hôi . Đàn ông mà không hực! Nó đưa tay dò xuống đùi -Mẹ kiếp! nói sao giống ông Kí vậy! Nó lẩm bẩm, nhìn về phía ngôi nhà của con Lan . Phía ấy, trăng thượng tuần đang ngời lên một thứ ánh sáng lành lạnh . Không gian lặng ngắt bỗng vỡ ra một tiếng động đâu đó. Trời ạ!.. một thân hình lờ mờ đang lom khom chui ra từ nhà con Lan, nó hoảng hốt với tay ra sau lưng lấy khẩu súng, rồi chồm dậy lao đến phía cái bóng đen kia, nhưng đã bị rễ cây chò làm cho vấp ngã, đầu va xuống đất . Khi tỉnh dậy thằng Rừng chỉ thấy có một mình con Lan đang ngồi bên cạnh nó . Hoảng sợ thằng Rừng hỏi dồn dập . Con Lan không trả lời chỉ thút thít khóc. Nó tức mình chửi bới loạn xạ một lúc, rồi bỗng dưng ôm chầm lấy con Lan, mà kể tất cả những nỗi niềm trước đây của nó .
- Hãy đi với tôi !
- Đi đâu?
- Lên rừng lượm chai như khi xưa vậy!.
- Thật hôn!.
- Thật .
Cây chò hoang xù xì với những chùm rễ ngoằn nghèo đủ hình thù, bò lên mặt đất như những con rắn quái dị, đã chứng kiến cảnh thằng Rừng làm đàn ông. Không hôn hít vuốt ve, mà ào ào đổ xuống con Lan như một súc gỗ chò bị đốn ngã. Gió từ suối Lạnh thổi u u, đưa hơi nước rờn rờn lạnh. Trăng soi qua kẽ lá một thứ ánh sáng bàng bạc, không gian thơm lừng mùi mủ Chò. ..
“Bỏ Đảng hay là bỏ con Lan?”. Ông Kí trừng mắt nhìn thằng Rừng . Đời thằng Rừng chỉ có hai người mà nó thương yêu nhất . Đó là ông Sáu và con Lan . Ông Sáu thì chết rồi . Còn con Lan, chồng không về, mà cái bụng cứ lùm lùm ngày càng to biểu nó bỏ sao đành, vả lại như lời ông Kí nói . Cái chính trị ấy đâu phải là của nó . Nó là rừng, là mủ chai, là trái ư .. Thôi thì cứ cởi bỏ cái áo xã đội trưởng, mà dẫn con Lan về ngôi nhà cũ sinh sống.
Vài tháng sau con Lan lâm bồn . Đấy là một đêm kì lạ . Một cơn lốc mạnh đi ngang qua. Không ngôi nhà nào sập, không ai thiệt mạng . Cơn lốc chỉ bứng bay cây chò cổ thụ nơi sân đình. Trong tiếng hú cuồng nộ của thiên nhiên ấy, con Lan đã oằn người hạ sinh ra một đứa bé . Đứa bé khỏe mạnh nhưng mặt đầy những u nần tựa như những cục cức gà mà dân lượm chai gọi là chai cức gà .Thằng Rừng đặt tên nó là cu Gà . Thầy Tâm Quả một thầy cúng ở làng nhìn mặt cu Gà Bảo : “ Ngữ ấy, sống tha hương thì vượng, gần nhà vướng đạo tặc ” . Mặc cho lời phán . Thằng Rừng vẫn yêu cu Gà tha thiết .
Cuộc sống vui vẻ được vài năm thì thằng Thái trở về . Sau khi trình cho chính quyền, những giấy tờ đã cải tạo tư tưởng xong . Thằng Thái đòi dẫn vợ con đi .Tại nhà thằng Rừng, trong lúc ông Kí phân xử thì bỗng dưng cu Gà chỉ tay vào ông mà thét : “Âm Tặc !” . Tiếng thét của thằng bé mới thôi nôi, làm ọi người giật mình . Ông Kí da mặt từ đỏ chuyển sang tái, rút súng ngắn nã lên trời, lau sậy từ mái nhà rơi xuống lả tả . Ông Kí chỉ tay vào cu Gà hét lớn : “Đồ cha con thằng phản động - Giặc mà đến thì phát súng đầu tiên tao sẽ nã vào đầu chúng mày, cút ngay !” .
Phát súng của ông Kí đã làm nhụt ý chí đòi vợ của thằng Thái . Con Lan thảng thốt nhìn bóng cha con cu Gà hút dần trong bóng chiều . Thằng Rừng lạnh lùng bảo: “Lá rụng sẽ về cội, mất đi đâu mà sợ” . Nói vậy, nhưng sau đấy ốm mấy ngày đêm, không ăn không uống . Con Lan chăm sóc thật chu đáo lựa đủ lời an ủi. Thằng Rừng dần dần hồi phục, nhưng đầu óc cứ lơ ngơ, tính tình khó chịu . Lúc ấy cả xã đang rậm rịch viết đơn tình nguyện vào hợp tác xã . Thấy vậy, con Lan cũng lăng xăng, cầm tờ giấy bảo thằng Rừng viết đơn . Thằng Rừng giật phăng tờ giấy, vo tròn ném xuống đất:
-Khéo vẽ, mình chả có tấc đất nào mà tình nguyện, không khéo mấy đứa nhiều ruộng nó cho là mình tham
-Tham sao được! Con Lan lớn tiếng - Ai đổ máu giữ đất cho bọn nó
-Không phải cô! . Thằng Rừng đáp lại. làm thế tôi không thích .Tôi ghét lão Kí .
- Ơ hay! Sao lại ghét lão .
Nói vậy, nhưng con Lan cũng nghe lời. Không vào hợp tác xã nên vợ chồng nó chỉ được nhận vài sào đất nằm cô lập mút tận bìa rừng . Không thuỷ lợi, không phân bón nên đành bỏ hoang, mà tìm cách sinh nhai khác . Vốn sinh ra từ rừng, thằng Rừng thuộc lòng từng gốc chò non, chò già, chò chỉ… Biết chỗ nào có chai đảo, chai móng, chai uông, chai cục . Sáng sáng vợ chồng mang gùi lên rừng tìm đến từng gốc chò, vạch từng chiếc lá rụng, lượm về những cục chai cức gà bán cho dân biển . Vậy mà no đủ . No đủ hơn cái hợp tác xã đất canh tác bạt ngàn, nhưng cha chung không ai khóc. Dân đói nghèo triền miên . Đói thì đầu gối phải bò!. Họ bỏ ruộng đồng theo vợ chồng thằng Rừng lượm chai .
Cánh đồng năm tấn thưa người làm . Ông Kí đâm lo, cho du kích chặn các nẻo đường vận động dân về đồng sản xuất . Thằng Rừng cười bảo : “ Ngăn sao được lòng dân . Xưa trốn được cảnh sát thì nay cũng trốn được kiểm lâm . Em coi lương bỗng mấy đồng mà thằng kiểm lâm nào cũng giàu? “
Vận động không được dân, ông Kí tức khí ghép tội thằng Rừng là lâm tặc, bắt giải về huyện . Tại huyện đường, thằng Rừng cãi tay đôi với ông chủ tịch huyện .
- Anh có biết tại sao trong vòng vài ba năm nay hết lũ lụt này thì lại lũ lụt khác, lũ lụt sau ghê gớm hơn lũ lụt trước không?
- Chuyện đó học sinh tiểu học cũng biết .
- Vậy tại sao anh phá rừng?
- Tôi mà phá ư!, dân làng tôi mà lâm tặc ư ?. Mấy người dân ốm nhôm ốm nhách nghèo xơ nghèo xác đấy lấy đâu mà có hàng trăm máy cưa, máy kéo gỗ . Những chiếc xe tải ngày đêm nối đuôi nhau chở gỗ ấy là của ai? Bọn nào thích chơi ngông xây nhà bằng gỗ mun gỗ trắc, bọn nào làm bàn ghế, trồng cây cảnh bằng gốc cổ thụ? . Dân làng tôi ư ? Đấy ! Ông hỏi ông Kí xem ... Ông chủ tịch huyện nghe vậy trầm ngâm một lúc rồi thả thằng Rừng về.
Sau vụ ấy ông Kí được điều lên huyện làm một chức vụ cao hơn . Còn ở rừng Đồng Thịnh, kiểm lâm phối họp với công an, du kích lùng sục, đào bới khắp nơi. Gỗ chôn dưới vồng khoai lang, dấu trong nhà, giả làm mộ chí… đều bị bới tìm thu giữ . Rừng trở nên yên ắng. Mấy thằng lâm tặc lặn xuống các quán bia ôm xả xú-pắp, dân nghèo lượm chai nén đói chửi thầm . Thằng Rừng cười bảo : “ Đấy chỉ là chiến dịch ..”
Rừng chưa thay được lá mới thì động trở lại . Năm nay được mùa ư . Những trái ư ngày trước chẳng ai thèm để ý, mùa trái chín rụng gặp nước nở tung bầy nhầy khắp cánh rừng, nay bỗng dưng có giá . Giá cao ngất ngưởng khiến cho người dân không còn xách gùi theo hướng gió để tìm lượm những trái ư chín già bay rơi rụng xuống đất nữa . Mà cả làng lều chõng,lương thảo cất trại tại chỗ, đốn ngã cả cây gục xuống mà hái, mà lượm . Chắt lép, khô, tươi bọn lái buôn mua tất . Thằng Rừng ngửa mặt lên trời hát:
.. Rừng đã có từ thời ông, thời bà
Rừng đã nuôi cha, nuôi mẹ, nuôi ta
Muôn loài trong rừng ta phải bảo vệ
Bắt con thú không được bắt con mẹ
Chặt cây khô không được chặt cây tươi…*
Hát vậy nhưng thằng Rừng vẫn lén dẫn vợ vào tận rừng sâu..nó tìm đến những cây ư to lớn mà thời chiến tranh nó đã từng che giấu nó . Vợ chồng nó hí hửng nhìn những cây ư to lớn sừng sững mang đầy những trái ư lũng lẵng đen kịt . Năm tạ, sáu tạ bằng một chiếc tay ga - vợ nó nhẩm tính …Một cơn gió nhẹ lào xào thổi qua, thả hàng ngàn cánh ư cái thì bay là là cái thì quay xoăn tít giữa khu rừng yên tịnh . Những đôi cánh ư to bằng hai ngón tay dài cả gang màu cánh gián quần lượn quấn quít dìu nhau bay xuống như những cặp tình nhân. Đã làm cho con Lan hứng tình ôm chặt lấy thằng Rừng . Không kịp suy nghĩ, hai vợ chồng nó quấn riết lấy nhau giữa khu rừng tràn ngập cánh ư bay . Bống dưng có tiếng động mạnh . Thằng Rừng giật mình choàng dậy. Sau lưng nó bốn năm gã trai râu tóc rậm rạp thân hình vạm vỡ đang trố mắt nhìn vợ chồng nó. Hốt hoảng cực độ, vợ chồng thằng Rừng túm lấy áo quần che lấy thân, thì nghe một tiếng phực . Lưỡi rìu sáng loáng từ tay thằng cầm đầu - Đó là thằng Kiên con trai độc nhất của ông Kí làm kiểm lâm huyện, bay phập vào thân cây ư . Mủ từ đó ứa ra xối xả . Thằng Kiên hét lớn :
- Cút ngay ! Đ. mẹ giữa rừng thiêng mà mày dám à !
Vợ chồng Rừng run lẩy bẩy quay đầu bỏ chạy, nhưng chỉ vài chục bước thì bị bọn nó chạy theo bắt lại . Thằng Rừng bị trói gô vào gốc cây, khăn nhét vào miệng kinh hãi nhìn thằng Kiên ẵm con Lan lẫn vào một bụi cây.
Đêm ấy dẫu rất khuya, nhưng thằng Rừng không tài nào chộp mắt , còn con Lan thì nằm lặng yên, thi thoảng lại bật lên những nhịp thở làm cho thằng Rừng vô cùng bức bối . Những ý nghĩ bậy bạ cứ quấy quá đầu óc nó . Lúc thì những cánh ư bay chập chờn, khi thì lưỡi rìu sáng loáng mủ phun ra như sữa chảy . “Không thể được, phải kiện thôi”. Thằng Rừng dằn vặt, và khi sự dằn vặt đã đạt đến đỉnh điểm . Thằng Rừng nghiến răng thì thào :
- Này em, nó đã làm gì? .
Câu nói vụt vào tai con Lan, làm con Lan giật mình đánh thót . Con Lan cố mở to mắt lặng nhìn, căn phòng nhỏ tối và ẩm không thấy rõ đôi mắt thằng Rừng, chỉ có đóm lửa từ điếu thuốc, chốc chốc bùng lên màu đỏ ối và hơi thuốc làm cho căn phòng càng ngột ngạt hơn .Thằng Rừng cảm thấy hèn quá, sao lại nở hỏi câu ấy nhỉ? Mà thà rằng cô ấy khóc lóc để nó vỗ về an ủi, đằng này tịnh - không một lời nói - chỉ có tiếng thở tiếng thở nghe sao mà tức rực .
- Anh thật có lỗi ! . Nó lại nói . Con Lan ôm chặt lấy nó thì thào :
- Chẳng ai có lỗi cả, chúng ta là rừng mà không theo luật rừng thì phải chịu vậy!
- Không, anh sẽ kiện!
- Kiện ai! Đừng! Chẳng lẽ anh lại muốn ọi người biết em… Bỏ qua chuyện ấy đi - Sống mà về được đến đây là may rồi, hơn nữa em có hay ho gì đâu? …
Câu nói bỏ lửng, tuôn ra từ lồng ngực của con Lan, làm tim thằng Rừng nhói đau . Nó choàng tay siết chặt lấy thân hình con Lan . Bụng nó chạm vào bụng con Lan . Một ý nghĩ chợt nhói lên...Kể từ ngày cu Gà bỏ đi, đã mấy chục mùa ư …Nó buông ra một tiếng thở dài..
Thằng Rừng chưa kịp nguôi nổi nhục, thì tin thằng Kiên bị tai nạn, nghe nói trong lúc hạ cây ư ngàn tuổi nó đã bị cây đâm vào đầu . Nhờ tiền, chạy chữa tốt, nên thằng Kiên không chết mà chỉ ngây ngây, giống như kẻ mất hồn . Hai con mắt chùm bụp với tròng mắt đờ đẫn, lớp da trên mặt dày và cợm sần sùi đầy những vết thẹo . Thằng kiên thường lang thang ngoài bìa rừng, gặp bất cứ quả hạt cây gì, nó cũng lượm lên ngắm ngía một hồi lâu, rồi lẩm bẩm tung lên trời : “ ư ba y!, chò bay!..” Bọn trẻ nhỏ trong làng thấy thế lấy làm thích thú chạy theo nó hô vang : " Kiên bay!, Kí bay!" . Nó nghiêng đầu, nhìn bọn nhỏ rồi cũng há miệng ngô nghê hô theo…..
Cuộc sống là một con đường dài có nhiều lối rẽ bất ngờ. Thằng Kiên chưa tỉnh cơn điên, thì ông Kí chết sau một cơn đột quị . Đột quị khi nghe tin người thế chân thằng Kiên phát hiện ra ông nhận tiền phòng hộ rừng đầu nguồn của dự án X, nhưng lại bật đèn xanh cho lâm tặc phá rừng . Xe đưa tang ông đông lắm, toàn biển số xanh nhà nước và biển số đẹp của bọn nhà giàu buôn gỗ. Đông nhưng buồn . Buồn vì thằng Kiên không chịu bận áo xô, không chịu chống gậy, nên không có tiếng khóc. Mỗi người đưa tang là mỗi dòng suy nghĩ . Vợ chồng thằng Rừng thầm lặng hoà vào dòng người ra tận nghĩa trang, cho đến khi tiếng đất vĩnh biệt an ủi lục bục lộp bộp rơi, thì mọi người ngơ ngác nhìn thằng Kiên, tung xuống huyệt mộ những chùm hạt cây mà nó thường mang theo. Nhìn những cánh hạt ư, hạt chò lả tả bị đất cuốn chìm xuống đáy mộ, con Lan bỗng dưng ôm bụng nôn oẹ ra toàn mật xanh.. Thầy Tâm Quả thấy vậy bảo:
- Về nhà, đàn bà chửa tránh xúc động mạnh.
Thằng Rừng giật mình, nhìn cái bụng con Lan cơi lên sau làn áo . Nó lật đật dìu con Lan đi, khi ngang qua sân đình, thằng Rừng chợt nhìn thấy từ gốc chò bị lốc xoáy năm nào, vươn lên một mầm chồi non tơ. Nó reo lên: Em xem kia kìa, cây chò lại mọc chồi rồi! . Con Lan nhìn chầm chầm vào gốc chò hoang - bỗng dưng một cơn đau dữ dội quặn lên từ bụng dưới . Con Lan nén đau ôm lấy thằng Rừng thì thào:
- Này anh, lúc nãy ở đám tang em nghe người ta bảo…
- Bảo sao?
- Thằng cu Gà, thế chân thằng Kiên… Đôi mắt con Lan bỗng trở nên đờ đẫn, nó thấy chập chờn hình bóng của thằng Rừng đang xoay tròn trước mặt nó .Thằng Rừng hoảng hốt đỡ lấy con Lan . Những giọt máu từ ống quần con Lan rỉ ra đỏ cả một đám cỏ . Thằng Rừng bật khóc .
Vài ngày sau, dân Đồng Thịnh thấy xuất hiện một anh thanh niên lạ tóc để dài che khuất một phần khuôn mặt cùng với thằng Kiên và vợ chồng ông Rừng ra nghĩa trang . Hỏi ra mới biết đó là cu Gà . Sau bao năm cùng ông Thái bôn ba ở đất Sài thành, nay Ông Thái bảo cu Gà về tìm bố mẹ ruột .
Phải trồng lại cánh rừng thôi con ạ ! . Con Lan vừa nói, vừa đưa cho cu Gà nén nhang : “Có làm vậy thì bố con - người nằm dưới mộ sẽ thanh thản hơn” . Vâng! Con sẽ trồng lại cánh rừng . Nhìn mẹ con cu Gà lom khom quì dưới mộ ông Kí . Thằng Rừng như thấy lại cái bóng đen năm nào chui ra từ nhà con Lan . Thằng Rừng bật khóc . Nó khóc cho cánh rừng chưa đi hết một đời, mà đã chứng kiến bao nhiêu cảnh đổi thay, bao nhiêu người vì rừng đã nằm xuống …
Phải trồng lại rừng thôi!...
27. Những đứa trẻ chết
Truyện ngắn của Nguyễn Thị Ánh Tuyết
Sau khi được người ta vớt lên từ dưới sông, đứa trẻ đã chết lâu rồi, nó không còn thở nữa và tim cũng ngừng đập. Cả người nó sũng nước và lạnh ngắt. Khuôn mặt trầy xước, bợt bạt, biến dạng. Những lọn tóc mây đen nhánh bết chặt lại trên vầng trán cao ẩn dấu một vẻ rất lanh lợi và thông minh. Người phụ nữ ôm thằng bé vật vã trong cơn đau tột cùng của cuộc đời là mẹ nó. Bà khóc than dữ dội và tức tưởi, như thể tất cả nỗi đau của cuộc đời này đều dồn nén lại nơi người phụ nữ bất hạnh ấy, cứ âm ỉ giày vò, hành hạ bà một cách nghiệt ngã, cứ bám riết dai dẳng mà không tự giải thoát .
-Con ơi, sao con lỡ lòng nào bỏ mẹ mà đi! Con đi rồi thì mẹ biết sống với ai? Mẹ chỉ có mỗi mình con, nuôi con lớn đến ngần này con lại nhẫn tâm xa mẹ. Con ơi, tỉnh lại đi con! Tỉnh lại nhìn mẹ đi, mẹ về với con rồi, từ nay mẹ không đi nữa, dậy đi con, đừng làm mẹ sợ...
Mặc cho tiếng lay gọi tha thiết của người mẹ, đứa trẻ vẫn nằm im, bất động, hai hàng mi mệt mỏi so mình vào nhau, mắt nó nhắm nghiền như không muốn mở ra để tiếp tục nhìn thấy cuộc đời. Đôi môi tím tái rủ xuống ủ dột.
Chỗ nó ở cách làng tôi một cánh đồng. Đó là một thằng bé tội nghiệp. Nó bị người cha nát rượu đánh đập ngay từ trong bụng mẹ. Khi lớn lên, nó trở thành một đứa trẻ ít nói và buồn rầu. Nó hay đi lang thang và thơ thẩn chơi một mình ngoài bờ sông. Ngày nó mất, những người đi làm đồng sớm vẫn nhìn thấy đứa trẻ ở đó với những mảnh vỏ chai, bột gạch vụn và những chiếc lá thái nhỏ làm đồ hàng. Có ai đi qua nó reo to:" Bác ăn cơm với cháu!". Vậy mà hôm sau người ta đã nhìn thấy xác nó nổi lên, dạt vào gần bờ sông. Dường như đứa trẻ bị ngã xuống nước khi nó cố nhoài người ra với những cành duối ngả ra sông. Mọi người hốt hoảng kêu la, vội vàng đưa nó đặt lên bờ.
Trong đám người túm tụm ấy có cả cha tôi. Ông đứng ngây người ra nhìn mẹ con đứa trẻ. Từ trong đáy mắt lạnh lùng ánh lên cái nhìn thẫn thờ, thương cảm. Đến khi mọi người ra về hết, ông vẫn còn ngồi đó rất lâu, xa xăm nhìn về phía dòng sông như chờ đợi một linh hồn bay lên trời, về với thượng đế.
Hai chị em chúng tôi cũng bất hạnh như đứa trẻ chết đuối kia. Nhưng. May mắn hơn là chúng tôi vẫn còn sống. Vẫn còn có thể hi vọng ở sự đổi thay của cuộc đời. Và trong những giấc ngủ ngắn ngủi, chen giữa những giấc mơ kinh hoàng biết đâu vẫn còn mơ thấy những điều tốt đẹp. Dẫu biết rằng, hạnh phúc và khổ đau là một tất yếu của cuộc đời. Nhưng, đối với mỗi chúng tôi, khổ đau thì nhiều mà hạnh phúc còn quá ít ỏi và mong manh.
Cha đánh chúng tôi luôn luôn, bất kể lúc nào, như thể ông muốn chút hết gánh nặng của cuộc đời vào những đứa con. Trong tiềm thức ngây ngô của tuổi thơ, ông hiện lên như một hung thần khi cầm trên tay chiếc roi mây, cây lứa, đòn gánh hay bất cứ thứ gì có thể quật vào những thân thể yếu ớt của chúng tôi. Vừa đánh, miệng ông vừa rít lên từng tiếng mắng nhiếc lúc dữ dội, lúc lại trùng xuống rên rỉ:
-Chúng mày làm khổ tao! Sao chúng mày không chết quách đi cho đời tao đỡ khổ? Sao chúng mày không đi luôn cùng mẹ chúng mày? Hay chúng mày còn ở lại đây để dằn vặt tao? Trời ơi, kiếp trước tôi đã làm gì nên tội mà kiếp này trời lại đày đọa tôi? Ôi trời ơi, khốn khổ cái thân tôi! Chúng mày làm khổ tao! Chúng mày sinh ra mà làm gì? Sống mà làm gì?...
Ông khóc. Những giọt nước mắt trào ra từ khóe mắt, chan hòa trên khuôn mặt tàn nhẫn. Miệng cha vẫn chửi như cơn đau đời chưa dứt, còn hành hạ làm trong ông khó chịu. Sự tức giận khiến những nếp nhăn trên khuôn mặt khắc khổ của cha xô vào nhau, dúm dó, làm vẻ mặt ông càng dữ tợn, đáng sợ. Chúng tôi không biết làm gì hơn là đứng nép vào một góc tường, sợ hãi đón nhận những trận đòn thù của cha một cách đầy cam chịu. Đứa em gái níu lấy tay tôi khóc không thành tiếng, cứ ư ử, nghẹn ngào nơi cổ họng. Lúc ấy, tôi đã nghĩ đến mẹ. Có đôi chút oán hận nhưng rồi lại mau chóng tan nhanh. Dù kể từ ngày đi, mẹ chưa một lần về lại, mặc cho chúng tôi héo hon vì thương nhớ, dù mẹ đã bỏ lại chúng tôi để hai chị em tôi đơn độc hứng chịu những trận đòn khốc liệt của cha, như đánh cả cho phần của mẹ nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn không hề oán trách. Bởi mẹ đi là một sự giải thát khỏi kiếp sống đọa đày.
Mẹ rời bỏ chúng tôi vào một sớm mùa đông trời mưa tầm tã, sương giăng dầy đặc trắng xóa cả dòng sông. Chiếc thuyền neo gần bờ thấp thoáng trong sương lạnh, nín hơi như chờ đợi người khách chạy chốn quê hương. Tôi vẫn nhớ như in ngày hôm ấy, khi mẹ nắm chặt tay hai chị em chúng tôi chạy nhanh qua những cánh đồng đang co ro vì giá rét, những ngôi mộ âm u rầm rì tiếng thở than của những linh hồn và những cơn gió ỉ ôi như người ta than khóc làm chúng tôi sợ hãi. Bây giờ nghĩ lại, hai chị em tôi mới nhận ra chưa bao giờ mình can đảm như thế. Nhưng khi gần ra đến bờ sông, cũng là lúc cha đuổi theo gần sát mẹ con tôi. Không còn cách nào khác, sau những phút đắn đo, ngậm ngùi ngắn ngủi, mẹ bỏ lại chúng tôi, vội vàng chạy nhanh lên thuyền, mặc cho tôi và đứa em gái đã cố gắng níu lấy áo mẹ:
-Mẹ ơi, mẹ đừng bỏ chúng con. Con không muốn sống với cha. Con sợ lắm! Cha sẽ đánh chết con mất. Mẹ đừng đi. Mẹ ở lại với con mà. Con hứa từ nay con sẽ ngoãn ngoãn, không hư, không làm mẹ buồn nữa. Mẹ bỏ hai chị em con lại, chúng con biết sống làm sao!
Đứa em gái tôi nức nở. Miệng nó méo xệch, giọng lạc đi, khản đặc vì gào khóc. Những tất cả những điều đó không lay chuyển được mẹ. Cuối cùng, mẹ vẫn cương quyết ra đi, rũ bỏ chúng tôi.
Con thuyền trôi từ từ trên dòng sông, mang theo mẹ và niềm hi vọng cuối cùng của tôi và em gái. Mẹ vẫn đau đáu dõi vào bờ, đôi mắt nửa như lưu luyến, nửa như van lơn sự tha thứ đến khi con thuyền dần dần khuất bóng trong sương mù. Và cũng từ ngày ấy, dẫu bốn mùa vẫn cặm cụi tuần hoàn cùng dòng chảy của thời gian, con thuyền ngày nào vẫn lênh đênh đưa đón khách, chúng tôi trở thành những đứa trẻ ngày ngày dắt díu nhau lang thang trên bến sông, chờ đợi mòn mỏi, với bao hi vọng rồi lại thất vọng trong vô số những người đàn bà ghé thuyến sang sông. Vậy mà vẫn không có mẹ.
Con đường dẫn vào làng trong những đêm mùa đông buốt giá, cô quạnh và rầu rĩ. Nhưng ngôi nhà mái ngói, mái tranh liêu xiêu, đổ nát mang vẻ trăn trở nằm san sát, nép mình vào nhau như muốn chống đỡ những cơn thịnh nộ của cuộc đời. Trong bóng tối, hàng cây bạch đàn lầm lì đứng im lìm, sừng sững như những bóng ma. Trăng và sao đã rủ nhau đi trú đông ở nơi nào, để lại một bầu trời hoang vắng. Không gian đặc quánh lại trong một màu đen tối thẫm, âm u. Tôi và em gái cầm tay nhau hớt hải chạy dọc con đường đất trơn và nhầy nhụa, men theo cánh đồng ra ngoài lều cá bên bờ sông, để lại phía sau một khoảng tối đen sâu hun hút. Cha đã không còn cầm đòn gánh đuổi theo nữa. Biết đâu, bây giờ ông lại chẳng đang say rượu nằm lại ở ven một đoạn đường nào để sáng hôm sau mệt mỏi tỉnh dậy, thất thểu tìm đường để về nhà và sẽ lại cất tiếng chửi rủa khi vừa nhìn thấy bóng chúng tôi thập thò ngoài cổng.
Ngoài lều cá, những cơn gió trời như được thời cơ nổi loạn, chúng sỗ sàng va đập cánh cửa cũ rách và thốc mạnh vào trong lều cá làm hai chị em tôi tê cóng. Tôi thở dài như muốn ném tất cả u sầu vào đêm tối. Đứa em gái thút thít khóc, những giọt nước mắt tuôn trào từ đôi mắt ngây thơ của nó làm ấm cánh tay chai sạn của tôi.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian